Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống Việt Nam

Thang âm, điệu thức trong âm nhạc truyền thống của mỗi quốc gia luôn được coi là những vấn đề rất quan trọng trong việc nghiên cứu về hệ thống lý thuyết của ngành âm nhạc học (musicologic) và dân tộc học âm nhạc (ethnomusicologic), bởi trong thang âm điệu thức luôn hàm chứa những vấn đề mang tính tổng hợp, tính logic và tính khoa học thực tiễn.
Qua thang âm, điệu thức của mỗi quốc gia, chúng ta có thể hiểu và cảm nhận được những nét đặc trưng về ngôn ngữ độc đáo của nền âm nhạc dân gian ở nước đó. Trên cơ sở của thang âm, điệu thức, chúng ta có thể hiểu được lịch trình hình thành và phát triển của các giai tầng dân ca, các phương tiện biểu hiện như: cấu trúc, thể loại, âm điệu đặc trưng, tính thẩm mỹ và cuối cùng là sự tiếp cận tương hỗ đa chiều của những dòng âm nhạc truyền thống để tạo ra cái sắc thái bản địa tiêu biểu và độc đáo.

Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của sự chấn hưng văn hóa dân tộc trên toàn thế giới, việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống trong từng quốc gia là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính cấp bách và cập nhật.

Cũng như ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam á, từ nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu của Việt Nam bước đầu cũng đã xây dựng những cơ sở về hệ thống lý thuyết thang âm, điệu thức. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những gợi mở, những phát hiện ban đầu để dần đi tới sự thống nhất trong các công trình mang tính khoa học hoàn chỉnh.

Một quốc gia có nền âm nhạc truyền thống đa sắc tộc, ngoài những nét chung vốn có, mỗi tộc người lại có những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo riêng. Do đó, khi nghiên cứu, tìm hiểu và hệ thống hóa những vấn đề về thang âm điệu thức, những quy luật về sự phát triển các trục âm, quãng đặc trưng, các âm xê dịch trong quá trình tiến hành làn điệu quả là một việc làm không dễ dàng. Điểm nổi bật trong vấn đề thang âm, điệu thức mà các nhà nghiên cứu thường quan tâm đó là: mối quan hệ giữa những quy tắc mang tính tổng hợp với tính đặc thù và tính dân tộc của nó. Kết quả của một quá trình nghiên cứu là phải làm thế nào để có thể ứng dụng vào thực tiễn nhằm đạt được những hiệu quả cao nhất. Tầm quan trọng và tính đặc thù của cơ sở thang âm, điệu thức đó đã được tiếp thu một cách nhạy bén và ứng dụng sáng tạo trong thực tiễn sáng tác âm nhạc nhiều giọng trên cơ sở của nền âm nhạc truyền thống một giọng.

Lịch sử của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam và những cơ sở lý thuyết về thang âm, điệu thức được gắn liền với nhiều biến cố thăng trầm của đất nước trong hoàn cảnh vừa phải bảo tồn truyền thống dân tộc đồng thời lại vừa phải đấu tranh chống sự xâm nhập và đồng hóa của nền nghệ thuật nước ngoài. Trong điều kiện khó khăn như vậy, khi mà nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam còn phải giao tiếp và chịu ảnh hưởng qua lại với những nền văn hóa khác (Trung Hoa, ấn Độ, các quốc gia Đông Nam á, sau đó là ả Rập và cuối cùng là châu Âu), những thành tựu nghiên cứu về thang âm, điệu thức trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đã mở ra những khả năng mới cho sự phát triển mang tính định hướng, đồng thời nó tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế hội nhập và tiếp cận với nền âm nhạc truyền thống của quốc tế và khu vực.

Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề đó đã được đặt ra cho với các nhà nghiên cứu của Việt Nam là làm thế nào để có thể kết hợp được một cách đầy đủ những yếu tố phong phú và đa dạng của nền văn hóa phương Đông với phương Tây, sử dụng rộng rãi những kinh nghiệm quý báu của truyền thống văn hóa nghệ thuật cổ điển châu Âu và châu á mà không làm mất đi cái bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Bởi vậy, trong gần nửa thế kỷ qua, những công trình nghiên cứu về thang âm, điệu thức của các nhà lý luận âm nhạc Việt Nam đã đóng một vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển những cơ sở lý thuyết ban đầu mang tính khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi.

Để đi tới việc hoàn thiện cơ sở lý thuyết về thang âm, điệu thức, các nhà nghiên cứu đã đưa ra hàng loạt công trình, bài báo, tham luận về dân tộc học âm nhạc. Mặc dù tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều quan niệm chưa thống nhất, nhưng dù sao đó cũng là những cơ sở có giá trị cho việc nghiên cứu sau này. Khi đề cập đến vấn đề thang âm, điệu thức, dù chỉ là những phát hiện mang tính gợi mở cũng đã tạo ra những tiền đề có giá trị để dần dần đi tới việc hệ thống hóa và phân loại đối với một tổng thể dân ca Việt Nam. Tuy nhiên, để đi tới sự thống nhất quan điểm và cách nhìn nhận về thang âm, điệu thức cần phải có thời gian, đặc biệt là quá trình ứng dụng vào thực tiễn sáng tác, nghiên cứu và đào tạo.

Điều khó khăn đối với việc nghiên cứu thang âm, điệu thức của chúng ta là vấn đề thuật ngữ, sau đó là phương pháp nghiên cứu trong một quy trình đồng bộ. Mỗi một thuật ngữ mới ra đời cần phải được coi đó là sự sáng tạo, được nảy sinh trong quá trình nghiên cứu để đi tới việc hoàn thiện cơ sở khoa học. Chỉ riêng vấn đề thang âm, điệu thức trong âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng đã có nhiều tên gọi khác nhau. Có những nhà nghiên cứu dùng bậc La Mã để gọi tên các thang âm, điệu thức năm âm như: điệu thức năm âm I, điệu thức năm âm II, năm âm III, năm âm IV v.v... hoặc có nhà nghiên cứu lại sử dụng tên gọi khác như: điệu Bắc (cdfgac), điệu Nam (acdega), điệu Xuân (degac) hay điệu Oán (dfgahd).

Trong những công trình của một số nhà nghiên cứu lại sử dụng tên gọi thang năm âm của Trung Hoa từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên do Linh Luân đã chế ra luận ngữ gồm 5 cung như: cung (Cdega), thương (degac), giốc (egacd), trủy (gacde) và vũ (acdeg), hay thang âm trong thể loại ca kịch của miền Sơn Tây Trung Quốc như: Đô - Rê - Mi - Fa thăng - Sol - La - Si giáng - Đô. ứng với nó là Xang - Xừ - Cống - Phàn - Liu - U - Y - Xang.

Để phân biệt sự khác nhau về lối tiến hành âm điệu giữa các thang năm âm Trung Hoa với các thang năm âm trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông cha ta đã sử dụng một số tên gọi như: Cung Huỳnh - giọng đô (cdega) với tính chất rực rỡ, sáng sủa. Cung Nao - giọng rê (degac) với tính chất uyển chuyển, dịu dàng. Cung Pha - giọng mi (egacd) với tính chấtẩt trong nửa đục. Cung Bắc - giọng son (gacde) với tính chất vui tươi, khỏe khoắn. Cung Nam - giọng la (acdeg) với tính chất mềm mại, man mác.

Những tên gọi và sự xác định về tính chất của các thang âm, điệu thức trên đã toát lên được cái hồn, cái bản sắc độc đáo trong lối tiến hành âm điệu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trên thực tế, những cách gọi này cũng không có gì là mâu thuẫn, bởi chúng vẫn mang nhiều nét tương đồng, miễn sao phù hợp và thuận lợi cho việc nghiên cứu để người đọc dễ hiểu, tránh được sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Việc tìm tòi và phát hiện ra hệ thống thang hai hay ba âm trong quá trình nghiên cứu là những cơ sở rất có giá trị đối với công việc hệ thống hóa thang âm, điệu thức của chúng ta. Về vị trí và vai trò của các thang hai hay ba âm chúng tôi coi đó là những thành tố có tư cách bình đẳng đối với các thang âm khác trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Một trở ngại lớn thường sảy ra trong quá trình nghiên cứu về hệ thống thang âm, điệu thức của Việt Nam đó là nguồn tư liệu đảm bảo độ tin cậy.

Chúng ta thiếu hẳn một mảng lớn về âm nhạc thời tiền sử không còn lưu truyền tới ngày nay, có chăng chỉ là những dự đoán, phỏng vấn theo dã sử hoặc truyền thuyết .v.v... Bởi vậy, nguồn tư liệu mà chúng ta hiện có thường là những băng ghi âm, những bản nhạc do các nghệ nhân trình diễn còn gần gũi với xã hội ngày nay. Đó là chưa kể đến những làn điệu dân ca hoặc những bản đàn đã bị cải biên cho phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Mặt khác, những bản ghi âm, những tư liệu nghe và nhìn chưa đảm bảo được độ chuẩn xác theo tiêu chí nghiên cứu, mà chỉ mới được coi là những dữ liệu mang tính tương đối. Do đó, việc nghiên cứu về hệ thống thang âm, điệu thức trong âm nhạc truyền thống của chúng ta không thể thực hiện một cách cầu toàn được.

Việt Nam là một trong số những quốc gia ở Đông Nam á có thành phần sắc tộc phức tạp nhất, với 54 tộc người cùng chung sống trên lãnh thổ được trải dài từ mục Nam Quan tới mũi Cà Mau. Chúng ta chưa có điều kiện để nghiên cứu một cách đầy đủ về hệ thống thang âm, điệu thức của các tộc người đó. Ngoài những nét chung hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, mỗi tộc lại có những nét độc đáo riêng về bản sắc văn hóa của tộc mình. Vì lẽ đó, bước đầu chúng tôi tạm thời đưa ra sự lựa chọn các vùng, các tộc người có thể đại diện tượng đối gần gũi nhau về âm hưởng, về màu sắc, trong âm nhạc dân gian.

Để thuận lợi cho việc nghiên cứu các hệ thống thang âm, điệu thức của 54 tộc người trong cộng đồng Việt Nam, chúng tôi dựa vào những tiêu chí cả sự phân vùng dân ca và nhóm ngôn ngữ như sau:

1. Vùng núi cao miền Bắc và Bắc Trung Bộ là nơi cư trú của các tộc người như: Bố Y, Giáy Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái, Mường, Dao, Mông v.v...

2. Vùng núi cao Trung Trung Bộ và Tây Nguyên là nơi cư trú của các tộc người như: Bana, Brâu, Cơho, Giẻ Triêng, Mạ, M’nông, Xơ Đăng, Chăm, Êđê, Raglai v.v...

3. Vùng núi và vùng đất giống miền Nam, nơi cư trú của tộc người Khơme...

4. Vùng đồng bằng và duyên hải miền Bắc, Trung, Nam là nơi cư trú của tộc người Việt, đây là thành phần tộc đông nhất và đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

Trong cộng đồng 54 dân tộc đã hình thành bốn nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và nhóm ngôn ngữ Mã Lai đa đảo (Malayô - Polinêdi). Đây là bốn nhóm ngôn ngữ tiêu biểu để chúng ta có thể nghiên cứu về các dạng thang âm, điệu thức, các quy luật âm thanh trong các bước tiến hành làn điệu. ở từng nhóm ngôn ngữ chỉ có thể chọn ra một số tộc người tiêu biểu có những nét nổi trội về truyền thống văn hóa nghệ thuật dân gian mà thôi. Đồng thời trong nền âm nhạc dân gian đó cũng chỉ đưa ra được một số thể loại nhạc hát và nhạc đàn tương đối phù hợp với việc phân tích các dạng thang âm, điệu thức. Những ý kiến chúng tôi trình bày ở đây được tập trung ở một số vấn đề mang tính chất cơ bản của hệ thống thang âm, điệu thức như:

- Các dạng thang âm (từ ít âm đến nhiều âm).

- Vấn đề trục âm, trục quãng và những quan niệm về tính ổn định và không ổn định trong hệ thống điệu thức năm âm (về tên gọi các quãng và các bậc trong điệu thức năm âm sẽ được đề cập ở công trình tiếp theo).

- Những khái niệm về âm ngưng, nghỉ, hay còn gọi là âm tiết bài, kết câu.

- Âm màu sắc và những âm mở rộng điệu thức theo hai chiều phía trên và phía dưới.

- Những hiện tượng chuyển hệ (métaboles), giao thoa (interfénents), liên kết (unions) và kết hợp (cohésions) của các dạng thang âm, điệu thức.

- Những bước tiến hành theo các quy luật của các nhóm âm thanh trong làn điệu và độ xê dịch của chúng với nguyên tắc tiến hành bè là nét đặc trưng điển hình trong dân ca Việt Nam.

Những vấn đề về thang âm điệu thức trong dân ca Việt Nam cần một quá trình nghiên cứu lâu dài và công phu, mang tính đồng bộ và đa chiều. Đó là sự biểu hiện của những quan điểm thẩm mỹ, những nét độc đáo của màu sắc bản địa theo cách nhìn nhận nó như một hiện tượng văn hóa học. Khi nghiên cứu về hệ thang âm, điệu thức, không thể tách rời mối quan hệ về chiều ngang và chiều dọc, mối quan hệ giữa đơn âm và đa âm cũng như giữa thang âm, điệu thức với lối đối vị dân gian.

Trên đây, chúng tôi chỉ đưa ra một số nét đặc trưng của hệ thống thang âm, điệu thức vẫn thường sử dụng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bước vào thế kỷ XXI, chúng ta cần có những quan điểm và cách nhìn mới mang tính khoa học, tính cập nhật về thang âm, điệu thức trong bối cảnh tiếp cận và hội nhập với khu vực và quốc tế.

Phạm Minh Khang (theo Tạp Chí Văn Hóa & Nghệ Thuật )

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Tập đệm guitar

1. Mục tiêu: dựa vào bản nhạc (ca khúc) hoặc các nốt giai điệu tự dò ở trên đàn bạn có thể chọn được hợp âm, tiết tấu để đệm cho bài đó hoặc tự soạn bài đó thành bản độc tấu theo cách riêng của bạn. Để làm được điều đó bạn sẽ phải hiểu đôi chút về lý thuyết “khô khan” sau đây. Để đệm được hiệu quả, bạn nên tập đến bài “ Etude I –Mauro Giuliani”. Khi đó, hai tay của bạn đã khá quen thuộc với 6 dây và các nốt ở 3 phím đầu tiên rồi hãy bắt đầu vào phần tập đệm.

2. Khái niệm về gam, hợp âm và giọng của bản nhạc:

a/ Gam: là một chuỗi âm liên tiếp theo một quy định nhất định. Gam ta làm quen ở đây là chuỗi 8 âm, mỗi âm gọi là 1 bậc, âm đầu tiên và cuối cùng (thứ 8) gọi là âm (bậc ) chủ, tên của gam được gọi theo tên âm chủ. Mỗi bản nhạc đều được sáng tác dựa trên 1 gam nào đó và người ta nói :bản nhạc đó có giọng hoặc điệu thức“tên gam đó” hoặc có khi người ta còn dùng từ “cung” ví dụ: bản giao hưởng cung đô thứ. Tên gam (âm chủ) gọi theo hệ thống chữ cái đã nói ở phần đầu, chữ cái in hoa là tên gam trưởng, ví dụ: C - đô trưởng, chữ in hoa kèm theo chữ m là tên gam thứ, ví dụ: Am – la thứ. Có hai loại gam chính sau:

- Gam trưởng (tự nhiên): là chuỗi 8 âm theo quy luật sau (các bậc viết tắt bằng số la mã và cung -c):

I 1c II 1c III ½ c IV 1c V 1c VI 1c VII ½ c VIII

Bắt đầu từ bất kỳ nốt nào theo quy luật trên ta sẽ có 1 gam trưởng mang tên âm chủ (bậc I). Để đảm bảo quy luật trên ta sẽ phải dùng một số dấu hoá nhất định.

Ví dụ: từ nốt C ta có C D E F G A B C đó là gam C.

Từ nốt D ta có: D E F# G A B C# D, như vậy gam D có 2 dấu # ở C và F. Giờ bạn đã hiểu tại sao trên hoá biểu của các bản nhạc lại có số dấu hoá nhất định.

- Gam thứ tự nhiên: là chuỗi 8 âm theo quy luật sau:

I 1c II ½ c III 1c IV 1c V ½ c VI 1c VII 1c VIII

Ví dụ: A B C D E F G A

- Gam thứ hoà thanh: khác thứ tự nhiên ở bậc 6- 7 -8:

I 1c II ½ c III 1c IV 1c V ½ c VI 1,5c VII ½ c VIII

Ví dụ: A B C D E F G# A

- Gam thứ hoà thanh: khác thứ tự nhiên ở bậc 5-6- 7 -8:

I 1c II ½ c III 1c IV 1c V 1c VI ½c VII ½ c VIII

- Ví dụ: A B C D E F# G# A

Ví dụ các gam thứ khác:

Dm: D E F G A Bb C D (1dấu b ở B)

Bm: B C# D E F# G A B ( 2 dấu thăng ở C và F ,giống gam D)

Lưu ý: ta có thể bắt đầu âm chủ là các bậc đã hoá ví dụ: từ C# , Bb ta sẽ có gam Đô thăng thứ hoặc Xi giáng trưởng.

Nếu bạn chịu khó lập tất cả các gam từ các bậc cơ bản bạn sẽ thấy với mỗi số lượng dấu hoá đều có 1 cặp gam trưởng và thứ (cặp T-t). Ví dụ: C-Am (không hoá), G-Em (1#), D-Bm (2#) ...

b/Hợp âm: hợp âm đặc trưng cho mỗi gam người ta gọi là hợp âm ba được tạo thành bởi 3 nốt quãng 3 bắt đầu từ âm chủ. Quãng 3 hiểu nôm na là hai nốt (bậc cơ bản) cách 1 nốt ở giữa ví dụ: C-E, F-A. Như vậy hợp âm ba của gam C là hợp âm C-E-G, của gam A là A-C-E. Gọi đầy đủ là Hợp âm của gam đô trưởng (hoặc la thứ ...). Thường gọi ngắn gọn : hợp âm đô trưởng –C, hợp âm la thứ -Am ... nhưng bản chất bạn phải hiểu như trên.

c/Chuỗi Hợp âm của gam: trên 8 bậc của gam C ta lần lượt lập các hợp âm ba. Nếu đối chiếu với các hợp âm ba của các gam ta sẽ được 1 chuỗi 8 HÂ (hợp âm) sau:

C – Dm – Em – F – G – Am – Bm-5 – C, HÂ Bm-5 khá rắc rối, ta phải đi sâu hơn về vấn đề này mới hiểu, bước đầu bạn thay thế nó bằng HÂ G7 ( hiểu nôm na là HÂ trưởng kết hợp với âm bậc 7 của gam đó, vậy G7 là HÂ G thêm nốt F), như vậy ta có:

C – Dm – Em – F – G – Am – G7 – C

Với Am ta có: Am - G7 – C – Dm – Em – F – G - Am

Với Am hoà thanh : Am - E – C – Dm – E – F – E – Am vì bậc 7 là G# nên các HÂ G, Em thay thế bằng E.

Bản chất của việc dùng các HÂ để đệm các ca khúc là: ở một ca khúc có giọng nào thì mỗi nốt giai điệu có trong HÂ nào thuộc chuỗi HÂ gam đó thì ta có thể lấy HÂ đó hoà cùng nốt đó. Vấn đề là cùng một nốt ta lại nó thấy ở trong 2 hoặc nhiều hơn HÂ khác nhau. Ví dụ: trong gam C, nốt C đều có trong các HÂ C, F, Am. Sẽ có vài nguyên tắc để bạn lựa chọn và một điều rất quan trọng: bạn thấy dùng HÂ nào nghe hay hơn (bùi tai hơn) thì bạn có thể chọn HÂ đó. Tuy nhiên phần lớn bạn nên theo “bài bản” chắc chắn sẽ hay hơn vì bạn và mọi người đều thường xuyên nghe những bài đó do giới chuyên nghiệp thực hiện, và họ chính là “bài bản”

3. Các bài thực hành đầu tiên:

Đệm có 2 cách:

- Dùng các kỹ thuật của cổ điển: rải, gảy hợp âm nhiều nốt..., gọi chung là rải cho tiện.

- Vẩy, hay gọi là quạt chả vì động tác giống hệt các cô đang quạt than để nướng chả.

Tập rải: Tập bè 2 các bài Duo :

Tập quạt chả: ngón i và p chụm lại như đang cầm móng gảy, quay cổ tay sao cho móng ngón i quệt lên, xuống vào các dây đàn. Lúc xuống ↑lần đầu quệt vào 3 dây trầm (bass), sau đó : lên ↓-xuống ↑– lên ↓ quệt vào 3 dây cao nhiều lần như vậy. Đó là bạn đã thực hiện theo ký hiệu sau: ↑ ↓↑↓ ....

Lưu ý:

- Quệt lướt qua dây nhẹ nhàng vừa đủ kêu.

- Chuyển động bàn tay bằng cách quay cổ tay, y như lúc ta mở tay nắm cửa loại nắm tròn. Động tác này bạn có thể tập ở bất cứ đâu, không cần có đàn cho thật lỏng, dẻo cổ tay.

Tập Chuỗi Hợp âm của gam C và Am bằng cả 2 cách:

Rải: theo nhịp ¾ giống bè 2 của bài “We wish you a Merry christmas”.Chú ý: nốt bass ở phách 1 phải là âm chủ ( tên HÂ).

Quạt chả : theo nhịp 2/4: ↑ ↓↑ ↓ ↑.....

Đếm phách 1&2& 1 ...

Chú ý: tương tự như rải, lần xuống đầu tiên là phách 1 phải quệt vào đúng 1 dây bass là âm chủ là tốt nhất. Nếu bạn quệt cả 2 dây thì trong đó phải có âm chủ.

4. Các bước để đệm một ca khúc:

a. Xác định giọng của bài:

· Căn cứ vào hoá biểu của bài: ta đã biết mỗi hoá biểu đều tương ứng với 1 giọng trưởng và 1 giọng thứ nào rồi. Nếu bạn đã lập tất cả các gam thì chỉ việc đối chiếu với bảng các gam đó là biết ngay. Nhưng mấy ai có thời gian để lập hết các gam trưởng và thứ? vậy có cách sau rất nhanh gọn:

Căn cứ vào dấu hoá cuối cùng trên hoá biểu,

- với hoá biểu dấu #: đếm lên ½ cung ta có tên gam trường

đếm lùi 1 cung --------------- thứ

Ví dụ: hoá biểu 2#, dấu # cuối là C# , đém từ đó ta có D và Bm

- với hoá biểu dấu b: đếm lên 2 cung ta có tên gam thứ

đếm lùi 2,5 cung --------------- trưởng

Ví dụ : hoá biểu 1b,đếm từ Bb ta có Dm và F.

Hoá biểu trống (không có dấu hoá nào) đương nhiên là C hoặc Am như trên ta đã biết.

Nhưng ta vẫn phải chọn 1 trong 2 gam đó vì 1 bài chỉ có 1 giọng mà thôi.

· Căn cứ vào nốt kết: Trong các tác phẩm âm nhạc, mục tiêu của dòng âm thanh luôn hướng về âm chủ nên căn cứ vào nốt kết của bài là ta sẽ xác định được giọng của bài. Ví dụ: với hoá biểu trống: nếu nốt kết là đô thì bài đó giọng C, kết là la – Am .v.v.

Cấu tạo hoá biểu:

- Dấu #: luôn bắt đầu từ F, các dấu sau đếm lên 5: C – G – D ...

- Dấu b:luôn bắt đầu từ từ B, các dấu sau đếm lên 4: E – A – D ...

b. Chọn hợp âm cho từng ô nhịp

Đầu tiên ta hãy tập chọn HÂ với các bài có giọng C và Am. Khi thành thạo với 2 giọng này rồi, với các giọng khác bạn chỉ cần “dịch giọng” là xong.

Thuờng mỗi ô sử dụng 1 HÂ. Với tiết nhịp nhiều phách (4/4,6/8) tốc độ của bài khá chậm thì có thể dùng 2 HÂ đơn giản là nếu tốc độ nhanh thì ta không đủ thời gian để thay đổi 2 HÂ trong 1 ô nhịp. Để chọn HÂ ta xét nốt ở phách mạnh trước rồi mới xét đến các phách còn lại. nốt ở phách đương nhiên quan trọng hơn nốt ngoài phách.Đôi khi hầu hết các nốt trong ô đã thuộc 1 HÂ nào đó rồi thì bạn chọn ngay HÂ đó. Ví dụ: Ô đầu tiên bài “Một con vịt” ta thấy : đô – xon – đô đều là các âm của HÂ C nên ta chọn C cho ô đó. Ở ô đầu bài “ happy birth day”: tuy phách mạnh là la nhưng 2 nốt còn lại là xon và đô, cả nốt cuối ô trước là xon đều thuộc HÂ C . bạn nên thuộc các nốt trong các HÂ. Khá đơn giản: với mỗi HÂ ta bắt đầu bằng âm chủ rồi đếm liên tiếp bỏ 1 bậc lấy 1 bậc, ví dụ: HÂ Am có: A-b-C- d – E, là ACE. Nếu bạn chưa nhớ các nốt trong các HÂ thì có thể sử dụng bảng “ chọn Hợp âm”.Ngoài ra, nốt cuối ở ô trước cũng quan trọng. Ví dụ ở bài “Romeo & Juliette” ở ô thứ 2: phách 1 là mi thì ta vẫn có thể chọn Am, nhưng nốt cuối ở ô trước đó là xi, mà 2 nốt xi – mi đã gợi ra HÂ Em rồi nên ta chọn Em cho ô này. Rắc rối là ở chỗ cùng 1 nốt nằm trong nhiều HÂ khác nhau thì ta sẽ chọn như thế nào. Sau đây là vài nguyên tắc để giúp bạn chọn lựa:

- Mở đầu bài hoặc đầu câu hầu hết là bậc I, có thể bằng bậc V.

- Kết thúc đoạn cũng vậy: I hoặc V(rất hiếm).

- Kết thúc bài luôn là bậc chủ (I).

- Quan hệ V-I là quan hệ quan trọng nhất. Tức là trước khi bạn dùng I thì bạn dùng V thì sẽ tạo giác thoả đáng, như “vấn đề được giải quyết” tương tự như dấu chấm câu trong văn.Đi sâu hơn nữa, V-I chính là quãng 4 là quãng quan trọng trong việc “giải quyết vấn đề”. Nếu để ý ta sẽ gặp khá nhiều, ví dụ ở chủ đề cũng như kết thúc bài “la Paloma”: E – A E – A.

- Từ quan hệ V-I ta lại đặt vấn đề I là bậc V của bậc nào không? Với giọng C và Am, đếm ngược từ I là C và A đến 5 thì ta có F và D đều là bậc IV, như vậy ta có thêm quan hệ nữa:I-IV. các HÂ I-IV-V là các HÂ được ưu tiên để chọn chứ không nhất thiết chỉ có 3 HÂ đó trong khi bạn có chuỗi 7 HÂ. Cũng tương tự như việc I là V của IV, bạn nên quan tâm HÂ nào là V của V,V của G và Em trong trường hợp này chính là Dm hoặcD và Bm hoặc B.

- Cặp trưởng - thứ (T-t) thường dùng để thay đổi màu sắc của bài, ví dụ: Am-C. Việc dùng 1 đoạn giọng trưởng trong một bài giọng thứ hoặc ngược lại sẽ làm cho bài có màu sắc phong phú hơn. Ở bài giọng thứ quan hệ I-VI cũng chính là một cách chuyển giọng. Trong đoạn hoặc câu bạn đã chuyển giọng đương nhiên bạn sẽ coi giọng đã chuyển là bậc chủ trong đoạn,câu đó.

- Ở giọng Am bạn thử chuyển 2 HÂ : F - E – F - E, F-Am-F-Am bạn có thể thấy các cặp HÂ này chuyển sang nhau có vẻ dễ dàng và IV-V và I-VI cũng là quan hệ quan trọng trong bài giọng thứ.

- Chú ý với các nốt hoá bất thường trong bài bạn có thể phải dùng các HÂ không có trong chuỗi HÂ của gam vì các nốt đó kết hợp với các nốt lân cận tạo thành HÂ đó hoặc để sử dụng V-I cho HÂ nào đó bạn dùng HÂ trưởng thay vì thứ thì hay hơn. Ví dụ:

+ Ở ô 18 bài “Romeo % Juliette”: D - Bb chính là HÂ Bb ,2 nốt này có thể nằm trong HÂ khác như Gm nhưng Bb và F lại là V-I, mà F lại dùng ngay sau đó.

+ Ở ô 15 bài “Jingle Bell”: tuy giai điệu không có nốt bị hoá bất thường nhưng để kết thúc đoạn này bằng G thì bạn dùng D thay vì Dm sẽ cảm thấy cách “giải quyết” thoả đáng hơn vì G mới là V của G chứ không phải Dm.

Với giọng thứ phải chú ý các nốt bậc 7 có dấu # hay không để bạn còn xác định thứ tự nhiên hay hoà thanh vì thứ tự nhiên thì bậc V là HÂ thứ, hoà thanh thì lại là HÂ trưởng. Có thể cả bài là thứ tự nhiên nhưng có 1 đoạn là hoà thanh.

- Chọn nốt bass: Khi dùng mỗi HÂ bạn luôn phải đàn nốt bass trước tiên. Nguyên tắc để chọn nốt bass trong 1 HÂ là :

+ Nốt bass đầu hầu hết là âm chủ (trầm nhất trong thế của HÂ bạn đang bấm) Trừ các trường hợp nốt bass được chỉ định cùng với HÂ trên bản nhạc. Với các bản nhạc đã ghi HÂ thì việc chỉ định nốt bass như sau: C/G có nghĩa là HÂ C dùng nốt bass là xon.

+ Nốt bass thứ 2 (khi bạn dùng 1 HÂ nhiều lần liên tiếp hoặc tiết tấu bạn chọn có 2 nốt bass trở lên) thì tốt nhất là nốt bậc 5 của HÂ đó hoặc bậc 3 nếu không có nốt bậc 5. Ví dụ: với Am thì dùng A-E-A ..., với C : C-G-C ...


BẢNG CHỌN HỢP ÂM TƯƠNG ỨNG VỚI MỖI NỐT GIAI ĐIỆU CHO GIỌNG C VÀ Am

a. Chọn tiết tấu

Nhiều người băn khoăn về việc chọn tiết tấu thì phải biết cách thể hiện các vũ điệu: tango, rumba v.v.. Thực ra nếu bạn đệm ghi-ta không phải để cho người khác nhảy thì chẳng phải bận tâm lắm. Cũng có những bài được chỉ định tiết tấu trên bản nhạc thì bạn chơi theo đúng theo tiết tấu đó cũng hay hơn. Nhưng số các ca khúc chỉ định rõ tiết tấu không nhiều. Bạn thực hành thành thạo các bài tập ở đây thì việc đàn theo các tiết điệu trong các sách khác có chỉ dẫn cụ thể cũng sẽ dễ dàng thôi.

Nguyên tắc chọn tiết tấu:

- Căn cứ vào số phách (tiết nhịp) bạn đệm những bài chậm rãi, trữ tình thì bạn dùng ít nốt (trường độ dài). Những bài sôi nổi, vui tươi dùng nhiều nốt hơn (trường độ ngắn) Ví dụ: với nhịp /4 bạn dùng móc đơn hoặc nốt đen, nhất là trong các bài có đoạn mở đầu chầm chậm, bạn gạt (rải) mỗi phách 1 HÂ. Đến đoạn nhanh, sôi nổi bạn tăng số lượng nốt bằng các nốt có trường độ ngắn hơn : móc đơn, móc kép hoặc phối hợp, miễn là đủ số phách và phách 1 phải là bass (hoặc cả phách 3 với nhịp 4/4 dùng 2 HÂ/ô nhịp)

- Căn cứ vào tiết tấu của giai điệu: giai điệu toàn móc đơn và đen thì bạn dùng móc đơn. Nếu có thêm móc kép thì bạn dùng phối hợp đơn – kép. Nói chung bạn phải thử vài kiểu, kiểu nào cảm thấy hợp, lọt tai thì dùng. Nghe nhạc nhiều thì dần dần bạn sẽ dần tích luỹ được kinh nghiệm không chỉ trong việc lựa chọn tiết tấu mà cả chọn hợp âm nữa.

Nhấn: trong nhạc nhẹ, nhấn hoàn toàn ngược với nhạc cổ điển:

¾: nhẹ - mạnh - mạnh; 2/4 nhẹ - mạnh; 4/4: nhẹ - mạnh -nhẹ -mạnh, 6/8: nhẹ-nhẹ-nhẹ-mạnh-nhẹ-nhẹ-

b. Dịch giọng

Khi đã khá thành thạo với các bài giọng C và Am rồi, với các giọng khác bạn chỉ cần dịch giọng theo nguyên tắc: âm chủ 1- âm chủ 2 lên hoặc xuống bao nhiêu nửa cung thì toàn bộ các HÂ trong chuỗi gam 1 cũng dịch theo ngần đó nửa cung và trưởng thành trưởng, thứ thành thứ. Ví dụ ta cần các HÂ cho bài giọng D: từ C-D = lên 2 nửa cung

Từ chuỗi: C – Dm – Em – F – G – Am – G7 – C

ta có D – Em – F#m- G – A – Bm - A7 D

Với giọng 2, trước tiên bạn cứ các bậc quan trọng: I-IV-V cặp T-t

c. Soạn đoạn dạo đầu

- Cách đơn giản nhất là bạn dạo vài vòng HÂ ở vài ô nhịp đầu bài miễn làm sao HÂ cuối là HÂ ở ô đầu tiên.

- Nếu bài có đoạn điệp khúc thì đàn đoạn điệp khúc đó 1 lần rồi dạo 1-2 lần HÂ ở ô đầu tiên.

- Đàn giai điệu chủ đề (câu đầu tiên) hoặc nếu có thể biến tấu nó đi trong khoảng 1 vài ô nhịp.

d. Chuyển đoạn

- Nếu giữa 2 đoạn nghỉ ít phách ( 1-2) bạn thêm 1 số nốt bass sao cho nốt cuối vừa vặn là nốt bắt đầu của đoạn tiếp theo.

- Nếu chuyển đoạn dài hơn hoặc quay lại cả đoạn, bài lần 2 thì làm tương tự như đoạn dạo đầu. Nếu dạo đầu bạn đàn giai điệu ở trên cao thì lúc này bạn có thể đàn giai điệu đó ở bè trầm.

e. Để đàn các nốt trầm hay hơn

- Khi chuyển 2 HÂ: trước khi đàn nốt bass đầu tiên của HÂ sau, bạn hãy thêm 1 nốt bass của HÂ đầu mà vẫn đảm bảo nhịp phách bằng cách chen nốt đó vào giữa âm cuối của HÂ đầu và nốt bass đầu của HÂ sau. Có thể thêm 2 nốt hoặc nhiều hơn tốc độ của bài cho phép. Tuy nhiên không nên lặp đi lặp lại nhiều vì sẽ gây nhàm. Nên sử dụng cách này khi chuyển câu.

- Khi chuyển đoạn hoặc giai điệu ngân dài bạn làm như phần “chuyển đoạn” đã nêu.

- Thường xuyên chọn nốt bass trùng với giai điệu.

f. Cách tự soạn một ca khúc thành một bài độc tấu

- Đầu tiên bạn phải đàn được toàn bộ giai điệu trên đàn.

- Chọn HÂ cho toàn bài.

- Cách đơn giản nhất là khi bạn đàn các nốt ở phách mạnh, thay vì đàn 1 nốt bạn hãy dùng cả HÂ (gạt hoặc rải nhanh) của ô đó, cố gắng giữ các nốt HÂ đó ngân trong khi đàn các nốt giai điệu còn lại. Ở các nốt trường độ dài bạn hãy thêm một số nốt của HÂ đó theo kiểu rải cho vừa đủ số phách mà nốt đó ngân.

- Bạn hãy hình dung là mình đang đệm bài đó theo kiểu rải. Cứ nốt ở phách 1 bạn đàn cùng với nốt bass. Các nốt giai điệu còn lại đàn cùng hoặc xen kẽ với các nốt còn lại của HÂ. Xen kẽ thì dễ hơn nhiều. Ví dụ: nốt giai điệu là nốt đen (với nhịp /4) thì bạn xen các nốt của HÂ như các móc đơn ở giữa các nốt đen.

- Các đoạn hoặc câu lặp đi lặp lại bạn hãy đàn chúng lúc ở bè cao, lúc ở bè trầm cho đỡ nhàm.

- bài “Romeo & Juliette” : ở đoạn đầu đã có ví dụ cụ thể cho bạn. Bạn hãy coi đó là những gợi ý và tự soạn cả bài theo ý mình thì bạn sẽ thấy thú vị hơn.

SƠ ĐỒ CÁC HỢP ÂM THÔNG DỤNG TRÊN 3 PHÍM ĐẦU

Ghi chú: 0 – dùng dây buông; x – không dùng; (2) thế bấm dễ hơn tất nhiên là ít nốt hơn so với thế đủ.

a. Các thế bấm của các HÂ ở các vị trí khác nhau dựa vào các thế bấm ở 3 phím đầu

· HÂ trưởng:

- Theo thế của E : bấm bằng ngón 2-3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0 là đầu cần.Tên HÂ ở dây 6, 4 và 1. Tịnh tiến lên phím 1 (chặn ở phím 1) ta có F, lên phím 3 –G, 5- A, v.v... Nhấc ngón 4 ta có các HÂ 7.

- Theo thế của A : bấm bằng ngón 2-3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0 là đầu cần.Tên HÂ ở dây 5 và 3. Tịnh tiến lên phím 1 (chặn ở phím 1) ta có Bb , lên phím 2 –B, 3- C, v.v... Nhấc ngón 3 ta có các HÂ 7.

- Theo thế của G: bấm bằng ngón 2-3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0 là đầu cần.Tên HÂ ở dây 6 và 1. Tịnh tiến lên phím 2 (chặn ở phím 1) ta có A, lên phím 4 –B, v.v... Nhấc ngón 4 và bấm ngón 2 trên phím sát ngón 1(phím chặn) ta có các HÂ 7. Thế này bấm đủ như trên thì khó, thường chỉ dùng đến dây 4 (1-4) và chủ yếu để rải, quạt chả dễ va vào các 5-6 gây sai HÂ..

· HÂ thứ:

- Theo thế của Am : bấm bằng ngón 2-3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0 là đầu cần.Tên HÂ ở dây 5 và 3. Tịnh tiến lên phím 2 ta có Bm, lên phím 3 –Cm, v.v...

- Theo thế của Em (tương tự như với E) : bấm bằng ngón 3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0 .Tên HÂ ở dây 6, 4 và 1. Tịnh tiến lên phím 2 ta có F#m, lên phím 3 –Gm, v.v...

Theo thế của Dm : bấm bằng ngón2- 3-4, ngón 1 coi như chặn ở phím 0, không dùng dây 6 .Tên HÂ ở dây 4 và 2. Tịnh tiến lên phím 2 ta có Em, lên phím 4 –Bm, v.v...

(Trích “Phương pháp học đàn ghi-ta cho mọi người” - Trịnh Minh Cường)

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Bóng Đè


Photo by Nguyễn Xuân Lưu & Lê Quốc Phong

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

"Phố Ông Đồ" Saigon XUÂN Canh Dần 2010

Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ vào ngày 20 tháng 12 âm lịch tại công viên Tao Đàn và Nhà Văn Hóa Thanh Niên ( Saigon) tưng bừng lễ hội " Phố Ông Đồ". NXL đã có mặt và ghi lại một số hình ảnh.







Ông bạn"già" của NXL

Người đẹp và thư pháp


Người đẹp và "anh" đồ

NXL & LQP

NXL sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong những ngày kế tiếp.