Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Phép màu




Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Phân biệt Nhạc Giao hưởng - Nhạc Thính phòng

Ý nghĩa của ngôn từ "giao hưởng" (symphonie) bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp - có nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Qua quá trình lâu dài suy tưởng các thuật ngữ, "giao hưởng" được dùng để đặt cho các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng ở các thành phần cấu trúc lớn nhỏ, đa dạng gồm có các đàn chính: đàn dây (viôlông, viôlôngxen, viôla, côngtrơbas), dàn kèn trong đó có kèn gỗ (fluýt, oboa, claninet, fagốt), kèn đồng (trompét, trombôn, cor, tube) và bộ gõ. Thể loại âm nhạc này bắt đầu hình thành từ những năm 30 thế kỷ XVIII, khi các khúc dạo đầu trong các vở opera ngày càng phát triển và mang tính độc lập, từ đó, giao hưởng như một thể loại âm nhạc độc lập đã ra đời.

Nói đến ý nghĩa và tầm quan trọng của giao hưởng trong âm nhạc người ta thường ví với kịch và tiểu thuyết trong văn học. Đó là hình thái cao nhất của nhạc đàn, trong đó bao hàm mọi ý tưởng âm nhạc với mọi khả năng biểu cảm phong phú và đa dạng ở bất kỳ nội dung nào từ chất trữ tình cho đến chất anh hùng ca, từ niềm lạc quan yêu đời cho đến nét bi thương thảm khốc. Đầu tiên, giao hưởng được sáng tác ở hình thức tổ khúc sonate gồm 3 chương theo phong cách trường phái Napoli - ý. Dần dần, qua quá trình phát triển, trong thành phần của tác phẩm giao hưởng bắt đầu có thêm khúc dạo đầu (của chương I) và menuett (một loại vũ điệu) đóng vai trò chương cuối của giao hưởng 3 chương. Sau đó, giao hưởng 4 chương được hình thành, trong đó chương cuối được sáng tác ở hình thức sonate hoặc rondo - sonate. Các chương chậm (chương II hoặc chương III) thường mang nội dung trữ tình biểu hiện sự tương phản với các chương còn lại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã hình thành nên nhiều tác phẩm giao hưởng ngoài quy luật kinh điển như giao hưởng từ 5 chương trở lên hoặc chỉ có 2 hoặc 1 chương duy nhất ví dụ như giao hưởng thơ (symphonie poème). Ngoài các tác phẩm chỉ dành cho dàn nhạc giao hưởng - thành phần chính, có nhiều tác phẩm giao hưởng còn kết hợp cả với lĩnh xướng và hợp xướng (như giao hưởng số 9 - "Niềm vui" của Betthoven) và đặc biệt phải kể đến giao hưởng kết hợp với nhạc cụ độc tấu (concerto - symphonie). Ngoài ra, thể loại âm nhạc này còn liên kết với các thể loại khác để tạo nên những tác phẩm mang hình tượng nghệ thuật tổng quát như: giao hưởng chiêu hồn, giao hưởng balê, giao hưởng thanh xướng kịch v.v... Điều quan trọng nhất trong giao hưởng, đó là sự phát triển và mối liên kết các ý tưởng âm nhạc theo logic kết hợp với sự tương phản giữa các chương nhằm tạo nên sự phong phú về hình tượng nghệ thuật và kịch tính âm nhạc sâu sắc.
Người sáng lập ra nghệ thuật giao hưởng cổ điển là nhạc sĩ thiên tài người Áo Hayđơn, chính vì vậy ông được gọi là "cha đẻ của giao hưởng". Có thể nói, nghệ thuật giao hưởng đã tìm thấy đỉnh cao trong các tác phẩm của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ điển Viên (Hayđơn, Mozart, Betthoven). Các bản giao hưởng Es-dur (số 39), g-moll (số 40), C - dur (số 41) của Mozart là sự hiển diện của một năng lực sáng tạo huyền thoại. Giới âm nhạc gọi đó là "Sức mạnh Apôlông", "Sức mạnh quỷ thần", "... vượt lên trên khả năng của con người". Với các bản giao hưởng "Anh hùng ca" - số 3, "Định mệnh" - số 5, "Đồng quê" - số 6 và "Niềm vui" số 9, Betthoven đã làm nên kỳ tích trong lịch sử giao hưởng và mở ra bước ngoặt phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này. Từ giao hưởng của ông, đã hình thành thể loại giao hưởng mang nội dung và tên gọi cụ thể được phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XIX, XX trong sự nghiệp sáng tạo của các thiên tài Schubert, Traicovsky, Berlioz, List, Debbussy, Maler, Prokofiev và Soxtakovic v.v... Trong dòng nhạc hàn lâm của nước ta, nghệ thuật giao hưởng tuy còn non trẻ nhưng đã cống hiến cho nền âm nhạc của đất nước những tác phẩm đặc sắc như các giao hưởng "Quê hương Việt Nam" (Hoàng Việt), "Đồng Khởi" (Nguyễn Văn Thương), "Trăm sông đổ về biển đông" (Trần Ngọc Sương), "Rapdodie Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân) v.v... mong rằng nghệ thuật giao hưởng của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp âm nhạc và văn hóa của dân tộc.
Ý nghĩa của ngôn từ "âm nhạc thính phòng" (ÂNTP) có nguồn gốc từ ngôn ngữ Latinh (camera) - có nghĩa là nhạc để biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ (như phòng hòa nhạc) để phân biệt với nhạc giao hưởng, nhạc sân khấu (thí dụ opera, oratoria, cantata) dành cho các gian hòa nhạc lớn. Thuật ngữ này được hình thành từ thời Trung cổ nhưng mãi đến cuối thời đại Phục Hưng mới được khẳng định rõ ý nghĩa mà hiện nay chúng ta vẫn hiểu về nó. Trước kia, ÂNTP theo nguyên tắc được trình diễn ở các buổi hòa nhạc trong phạm vi gia đình, chính từ đây đã hình thành nên thành phần các nhạc công của loại hình nghệ thuật này: từ một độc tấu (hay được gọi là solist) cho đến vài ba nhạc công đủ để biểu diễn trong phạm vi nhỏ và liên kết với nhau thành nhóm nhạc thính phòng. Khi sáng tác cho ÂNTP, các nhạc sĩ thường chú trọng đến từng phương thức biểu cảm của từng cấu trúc âm nhạc phù hợp với từng loại nhóm cụ thể. Đặc tính của ÂNTP biểu hiện ở sự cân bằng giữa các giọng nhạc (khác biệt với các tác phẩm trong đó phân biệt rõ bè chính, bè đệm) và tính chất cô đọng, tinh tế trong từng ngữ điệu, giai điệu, nhịp điệu và phương thức biểu cảm. Vai trò vô cùng quan trọng ở đây là sự phát triển của các "chủ đề âm nhạc" mang giàu hình tượng nghệ thuật, ÂNTP có ưu thế đặc biệt biệt về khả năng biểu hiện những cảm xúc trữ tình với tất cả các mặt nhạy cảm và tinh tế nhất của tâm hồn con người.
Giữa thế kỷ XVI, hình thành rõ sự phân biệt giữa nhạc nhà thờ và nhạc thính phòng trong các thể loại nhạc dành cho giọng hát. Một trong những tác phẩm đầu tiên tiêu biểu nhất của ÂNTP phải kể đến "L'antica musica ridotta alla moderna" của Nicolo Vitrentino (1555). Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, ÂNTP bắt đầu phát triển mạnh ở các loại hình âm nhạc dành cho nhạc cụ hay còn gọi là khí nhạc. Ơở những giai đoạn đầu tiên này giữa nhạc cho giọng hát và khí nhạc hầu như không phân biệt về phong các nghệ thuật. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, sự phân biệt giữa chúng mới được thể hiện rõ nét đúng như lời nhận định của nhà âm nhạc học trứ danh Kvanz "ÂNTP đòi hỏi sự sống động và tự do trong ý tưởng âm nhạc hơn âm nhạc nhà thờ". Thể loại cao nhất của ÂNTP dành cho khí nhạc thời kỳ này là tổ khúc sonate (sonata da camera) có nguồn gốc từ tổ khúc vũ điệu. Nửa sau thế kỷ XVIII cùng với tên tuổi các thiên tài Hayđơn, Mozart, Betthoven đã hình thành các thể loại ÂNTP cổ điển - độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu..v...v.. trong đó ý nghĩa đặc biệt quan trọng là các nhóm dành cho các đàn dây (violông, viola, viôlôngxen). Chính bởi vì ở các thể loại này hội tủ mọi điều kiện để có thể diễn tả cảm xúc, hình tượng nghệ thuật một cách phong phú nên chúng đã thu hút nhiều nhạc sĩ thiên tài từ cổ điển cho đến hiện đại, ngoài các nhạc sĩ đã kể trên còn có Bramhs, Dvozak, Smetana, Grieg, Frank, Borodin, Rachmaninov (thế kỷ XIX), Debussy, Ravel, Reger, Bartok, Prokofive, Soxtakovich.v.v.v (thế kỷ XX).
Quá trình phát triển của phong cách ÂNTP đã trải qua nhiều biến đổi trong đó đặc biệt phải kể đến mối liên quan tương tác giữa ÂNTP và âm nhạc giao hưởng. Từ đó đã nảy sinh ra các tác phẩm ÂNTP mang ảnh hưởng của nhạc giao hưởng (như sonate dành cho violông - "Kreisler" của Betthoven, sonate dành cho violông của Frank) và ngược lại - âm nhạc giao hưởng của ÂNTP (như giao hưởng số 14 của Soxtakovich). Chính vì vậy đã xuất hiện khái niệm âm nhạc mới - "Dàn nhạc thính phòng" và "Giao hưởng thính phòng" để chỉ những tác phẩm giao hưởng dành cho các dàn nhạc nhỏ với số lượng nhạc cụ hạn chế. Vai trò vô cùng quan trọng trong ÂNTP phải kể đến các tiểu phẩm dành cho các loại nhạc cụ trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm dành cho dàn pianô bao gồm nhiều thể loại khác nhau: valse, nocturne, prelude.v.v.. của Schubert, Schuman, Sopanh, Skryabin, Rachmaninov, Prokofie.v.v.. Tuy dòng nhạc hàn lâm du nhạc vào nước ta chưa được lâu nhưng các nhạc sĩ Việt Nam cũng đã sáng tác nhiều bản nhạc thính phòng ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong đó nổi bật phải kể đến các tác phẩm của Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Tấn..v..v... góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của văn hóa dân tộc.

Sưu tầm.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Âm Điệu Dân Tộc Trong Chúng Ta

Tiến Sĩ Nguyễn Thuyết Phong
Institute for Vietnamese Music
Còn bao lâu nữa bạn có thể nghe câu Vọng Cổ trên đất Mỹ? Tôi đã nghe tiếng thở dài của một bạn trẻ trong trại họp bạn trong vùng Louisville, Kentucky, cách đây vài năm. Tôi đã nghe tiếng kêu thống thiết của nghệ sĩ lão thành Việt Hùng, Mission Viejo, California. Tôi cũng đã nghe tiếng vọng từ tâm thức tôi trong nhiều năm qua về âm điệu dân tộc có còn trong chúng ta như ngày nào đó không.

Tuy nhiên, không phải chỉ có câu Vọng Cổ, mà lo âu, thổn thức của nhiều người trong chúng ta dường như đang hướng về cả một truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam--trong hay ngoài nước. Tôi không nêu ra vấn đề ở đây rằng chúng ta phải làm gì cho âm nhạc truyền thống dân tộc. Vì đó là vấn đề quá lớn, vượt ngoài tầm tay của chúng ta để giải quyết. Tôi chỉ xin bàn về thế nào một âm diệu được gọi là dân tộc và giá trị của nó trong tâm hồn chúng ta ra sao.

Âm Nhạc Dân Tộc hay Cổ Nhạc?

Danh từ nhạc dân tộc hiện nay tương đối thông dụng. Nhưng hiểu đúng đắn về nó không phải là chuyện dễ. Chúng ta còn có các từ ngữ khác như: cổ nhạc (hay nhạc cổ), nhạc cổ điển, và nhạc truyền thống. Thậm chí có người còn gọi cải lương hoặc vọng cổ thay vì gọi nhạc dân tộc. Tôi nghĩ cần phải giải quyết vấn đề danh xưng trước khi tìm hiểu về nội dung của nó.

Trước nhất, có lẽ do phản ứng tâm lý hay vì tính phân biệt mà danh từ dân tộc mới có mặt. Phản ứng nầy chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 với từ cổ nhạc để phân biệt với nhạc cải cách hay tân nhạc. Danh từ nhạc dân tộc có lẽ xuất hiện chậm hơn (vào nửa thế kỷ sau đó). Còn danh từ nhạc truyền thống do tôi thường dùng trong 3 thập niên qua trong các buổi nói chuyện, diễn giảng trong các đại học, các sách hoặc bài viết. Các bạn người miền Nam thì thấy đâu đâu cũng nghe người ta ca cải lương hay ca vọng cổ, vì thế sẽ nói chung chung là nhạc cải lương hay vọng cổ, dù rằng cải lương chỉ là 1 thể loại sân khấu trong nhiều loại sân khấu trong cả nước Việt Nam; trong khi ấy vọng cổ chỉ là 1 trong nhiều bài bản của cải lương.

Sự bùng nổ của phong trào canh tân theo Tây học và sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta vào thời thuộc địa đưa đến việc làm quen với nhạc Tây ở các tỉnh, thành. Vì thế khoảng năm 1920 trở đi diễn ra tình trạng nhạc Tây hát lời ta. Tiếp theo tự sáng tác nhạc theo phong cách tây phương và hát lời Việt gọi là nhạc cải cách, dần dà về sau gọi là tân nhạc, nhạc mới, hoặc gần đây hơn có người gọi là ca khúc 1. Trước tình huống trên, người ta bắt đầu phân chia ranh giới "cũ" (cổ) và "mới" (tân). Vì thế, đờn ca tài tử, ca huế, ca trù, hay các loại nghệ thuật truyền thống dân tộc được gán cho danh từ cổ mà hằng nghìn năm trước đây chưa từng có. Nếu nhận xét sâu xa hơn, chúng ta thấy đây là một hiện tượng quan trọng trong âm nhạc Việt Nam. Không những chỉ là việc phân biệt cũ và mới, mà còn là một đấu tranh giữa hai khuynh hướng làm nhạc khác nhau. Kẻ theo mới tự cho mình là tiến bộ theo trào lưu thế giới, người theo cũ cảm thấy bị thiệt thòi, mất mát, và thậm chí bị khinh chê là lỗi thời. Theo mới cũng có thể đồng nghĩa với lai căng, theo tây; bảo vệ cái cũ có thể bị xem là lạc hậu, dậm chân tại chỗ. Đây là vấn đề bàn cải rất nhiều trong giới Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) khi phải định nghiã thế nào là tân nhạc (hay nhạc lai căn hay lai văn-hoá--accultured music) đối trọng với nền nhạc truyền thống lâu đời trong một quốc gia.

Theo thiển ý tôi, tôi không thấy hợp lý khi gọi nhạc truyền thống của dân tộc Việt là nhạc cổ vì bản chất của nền âm nhạc nầy luôn biến thiên. Người ta dùng từ cổ nhạc, chỉ với mục đích để nói cho ngắn gọn thôi. Nếu đem so với nền âm nhạc cổ (hay cổ điển--classical music) Tây phương, chúng ta sẽ thấy nhạc cổ điển Tây phương là loại nhạc giữ nguyên dạng cũ, giữ vẻ cố định (tĩnh) theo ý muốn của các nhà soạn nhạc. Trong khi ấy, các bài bản truyền thống của ta chỉ giữ cái làn diệu mẫu làm nền cho việc sáng tạo chữ nhạc mới (động). Lấy ví dụ, bài Vọng Cổ được diễn tả với hàng trăm âm điệu khác nhau. Hay bản Long Ngâm (theo tục truyền do Trịnh Trọng Tử sáng tác năm 1310) hiện nay còn trình tấu trong nhạc cung đình Huế với một dạng rất có thể khác với khi xưa. Vì thế, việc gọi một nền âm nhạc của dân tộc có mặt lâu đời trên đất nước ta là nhạc dân tộc hay nhạc truyền thống dân tộc nghe ra hợp lý hơn. Nó vừa tránh được sự va chạm ý kiến cũ và mới, nó lại vừa phân biệt rõ ràng được nhạc của dân tộc ta đối với nhạc của các dân tộc khác trên thế giới.

Âm Điệu Dân Tộc: Cấu Trúc Cơ Bản

Chúng ta thường nghe nói, mỗi dân tộc có một nền âm nhạc với những đặc trưng của nó. Nhưng trong một quốc gia không chỉ có một dân tộc mà thôi, mà còn có rất nhiều dân tộc sống chung trên một mãnh đất lịch sử dựng nước và giữ nước. Biên giới địa lý và biên giới dân tộc, vì thế, không hẳn phải đồng nghĩa nhau. Trong lúc dự hội nghị Âm Nhạc và Giáo Dục tại viện đại học Nanyang ở Singapore, tôi gặp một bạn sinh viên ban Tiến Sĩ Vật Lý đang nghe nhạc bằng Discman. Sau một lúc nói chuyện, tôi mới hiểu ra rằng anh ta đang nghe một CD nhạc của Madona và thích thú cho rằng đây là nhạc xứng đáng đại diện cho nước Mỹ. Tôi mới hỏi anh ta có biết nhạc Blue Grass, Blues, Gospel, hay dân nhạc Apallachian hay không? Anh ta không biết tôi đang nói gì vì anh ta chưa từng nghe những danh từ nầy bao giờ. Vì thế, nếu bảo rằng một Madona hay Michael Jackson là đại diện, biểu trưng cho âm nhạc của nước Mỹ quả là chuyện hết sức sai lệch. Nó chứng tỏ sự hạn chế tầm kiến thức về dân tộc và những giá trị văn hóa độc đáo của nó. Nước Mỹ không chỉ có nhạc của một dân tộc đa số (da trắng) hay một loại nhạc, mà trong ấy có nhiều truyền thống âm nhạc đa chủng hợp thành.

Đất nước Việt Nam gồm cả những 54 dân tộc. Phải công minh mà cho rằng ngoài dân tộc đa số (Việt) còn có nhiều truyền thống âm nhạc khác của các dân tộc thiểu số. Hiện nay nhạc của các dân tộc thiểu số nầy chưa được biết đến một cách thoả đáng hay nghiên cứu đầy đủ. Mà làm sao đi đến thoả đáng khi mà âm nhạc của riêng người Việt là rừng là biển, chưa ai có thể với tới hết. Tình hình hiện nay không những chúng ta chưa hiểu hết, chưa nghiên cứu hết, mà thậm chí còn hiểu lầm, ngộ nhận nữa. Như vậy, thế nào là âm điệu dân tộc?

Ở đây chúng ta chỉ bàn về âm điệu của dân tộc Việt và cụ thể chỉ nên đặt giới hạn ở mặt giai điệu, âm hưởng, và cấu trúc của nó thôi.

Cách tiến hành giai điệu của mỗi truyền thống âm nhạc các dân tộc trên thế giới rất khác nhau. Cái gì làm nhạc dân tộc ta khác với các dân tộc khác--ở trong nước cũng như trên thế giới? Trước nhất, ta phải nói đến hai khía cạnh: thanh nhạc và khí nhạc. Nói một cách khác, âm thanh của các bài hát và làn điệu của nhạc cụ là hai phần tử vừa bổ sung cho nhau, vừa có thể đứng độc lập nhau. Những bài dân ca, truyện kể nguyên trước đây không có nhạc đệm. Làm sao có nhạc cụ đệm khi vừa làm việc ngoài đồng áng, tay lấm chân bùn, hoặc hò chèo thuyền trên sông, mà vừa có nhạc đệm? Ngay cả trong hát quan họ, một thể loại dân ca điển hình, hát trong lễ hội Lim, mà người ta cũng không dùng nhạc cụ đệm. Khi đi vào nhạc thính phòng (ca trù, ca huế, tài tử) bài hát và khí nhạc mới quyện lấy nhau. Rồi từ đó lại nẩy sinh ra hòa tấu nhạc cụ riêng lẻ dựa vào các bài hát đã có.

Tuy nhiên, dù là thanh nhạc hay khí nhạc, âm điệu Việt Nam vẫn phải có một quy tắc, phương pháp chặt chẽ, cố định, lâu đời. Quy tắc ấy là hệ thống thang âm, điệu thức hết sức độc đáo, không thua kém các dân tộc nào khác trên thế giới. Tôi xác định điểm nầy căn cứ trên nghiên cứu, tham khảo, tham luận quốc tế và bảo tàng mà tôi thực hiện từ 3 thập niên qua.

Hệ thang âm (scale system) trong âm nhạc Việt, phân tích ra ta sẽ thấy các giai diệu có từ 2 cho đến 12 âm chính. Nếu kể cả các âm phụ, một bản nhạc có thể lên đến 16 âm. Đặc điểm của hệ thang âm Việt Nam là cung bậc cao thấp khác nhau. Cụ thể, nó cho thấy nhiều âm quãng rất dị biệt với nhạc phương Tây mà chúng ta thường quen thuộc. Một nhạc sĩ mà tôi có dịp phỏng vấn ở Orange County cho rằng nhạc dân tộc có những nốt "lơ lớ." Thực ra, người trong nghề nhạc truyền thống dùng hai từ chuyên môn là non (flat) và già (sharp). Họ thường nhắc nhở người đàn, người hát phải lưu ý sử dụng cho đúng cung bậc. Vì nếu không sẽ bị chinh (chênh lệch). Tôi và các giáo sư ở đại học Washington (Seattle), đã đo các tầng số sai biệt trong hệ Ellis (gồm 1200 cents trong một quãng tám) giữa những âm già hoặc non hơn âm (degree) tiêu chuẩn trong khoảng 5 đến 10 cents. Các âm quãng quá nhỏ nầy mà người Việt có thể nghe được nhỏ hơn ngay cả quarter tone mà các nhạc sĩ nhạc cổ điển Tây phương có thể nhận ra. Như vậy, điều nầy còn cho thấy trình độ thẩm âm của người Việt rất cao.

Nếu trong tiếng nói của người Việt có nhiều dấu giọng, trong âm nhạc dân tộc giai điệu được phát triển cùng chiều với tiếng nói và làm nó thêm đậm đà, tinh tế hơn lên. Sự cách điệu hóa ngôn ngữ nầy thể hiện trong tất cả các bài hát, trong các thể ngâm thơ. Tiến trình âm nhạc trong ngâm thơ khởi đi từ cách đọc một bài thơ với những chữ nhấn giọng, lên giọng, âm lượng to, nhỏ, hay vè (vè Thông Tầm, vè Mụ đội, v.v.) hoặc nói thơ (như nói thơ Vân Tiên, nói thơ Sáu Trọng, v.v.), cho đến cách ngâm Kiều, ngâm sa mạc, bồng mạc, ngâm xuân, v.v. Nếu bạn nghe lại từng chữ, từng tiếng phát âm và so với cách nói thông thường, bạn sẽ nhận ra thế nào là nhạc điệu dân tộc qua tiếng nói.

Một nét tương đồng với thanh nhạc là, trong khí nhạc, các nhạc cụ như tranh, nhị, nguyệt, đáy đều phải có phím cao lên để ngón tay người đàn có thể bấm sâu xuống cho việc luyến láy. Cây đàn ghi-ta (lục huyền cầm) từ phương trời châu Âu, vào khoảng thập niên 1920 cũng phải "bị" móc sâu ở khoảng giữa các phím để tập nói tiếng ta! Và trong quá trình "Việt hóa" ấy, nó đã thành thục, và trở thành một nhạc cụ nồng cốt trong âm nhạc cải lương.

Đi sâu hơn vào chi tiết tỉ mỉ của âm thanh, bạn sẽ nhận ra sự luyến láy tài tình của nhạc sĩ và ca sĩ. Trong âm nhạc học, sự uốn nắn chữ nhạc (note) nầy được gọi là ornamentation. Nó là một nghệ thuật độc đáo, mà chỉ một số ít dân tộc trên thế giới ứng dụng thành phương pháp, quy luật lâu đời và tuyệt nhiên quan trọng, trong đó có dân tộc Việt. Trong một buổi họp mặt ở Kent State Univesity, khi bàn về cảm thức khi nghe nhạc để biết được buồn hay vui, Giáo sư John Lee (Giám Đốc Trường Âm Nhạc thuộc viện đại học nầy) nói ta phải nghe một hợp âm (chord) hoặc 1 làn điệu trong nhạc Âu Mỹ mới biết đuợc. GS Lee quay sang hỏi tôi nghĩ như thế nào trong nhạc Việt Nam? Tôi trả lời, trong nhạc dân tộc Việt, chỉ cần một chữ nhạc (note) là người ta có thể biết ra ngay là buồn hay vui. Để cho các giáo sư và sinh viên được dịp thể nghiệm, tôi bước sang góc phòng bên kia và đánh lên một tiếng đàn bầu luyến láy theo hơi xuân, rồi đến một tiếng theo ai, một tiếng theo hơi đảo, v.v. và hỏi các vị thấy cảm giác có khác nhau hay không. Mọi người bừng tĩnh ra đấy là sự thật. Một cô sinh viên bật thốt lên: thật kỳ diệu!

Thế cũng cho thấy thêm một khía cạnh nữa trong nhạc nước ta, rằng chỉ cần nghe một tiếng đàn, người sành điệu cũng biết được người đàn hay hay dở. Ôi, chỉ một tiếng đàn mà có thể làm rung động lòng người! Hiện tượng siêu tuyệt mà Nguyễn Tuân, trong quyển Chùa Đàn, đã huyền thoại hóa tiếng đàn khi luyến láy hay đến nổi chảy máu trên đầu ngón tay. Trong Truyện Kiều, hay vô số những truyện tích dân gian đề cập đến chữ đàn tuyệt diệu. Sức hấp dẫn của một tiếng đàn điêu luyện, vì thế, còn chứng tỏ sự học tập lâu dài, năng khiếu "trời cho", và tính sáng tạo trong âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi xin nhấn mạnh chữ "sáng tạo" ở đây, để bạn đọc hiểu rằng âm nhạc truyền thống Việt không phải là nhạc "cổ", vì nó luôn luôn đổi mới và gắn liền với tên tuổi người nghệ sĩ. Nó là dấu ấn trong nghệ thuật âm nhạc của mỗi cá nhân có một quá trình học tập và làm nhạc vững vàng.

Một khía cạnh sau cùng là sự thành hình giai điệu trong âm nhạc dân tộc. Vì âm nhạc dân tộc mang tính điệu thức (modal) nên ngoài thang âm, chữ luyến láy (ornaments), còn có các làn điệu mẫu (melodic patterns) lập đi lập lại nhiều lần. Nó gợi cho chúng ta một tình cảm chủ yếu, duy trì trong phạm vi một lớp (section) hay một bài. Thuật ngữ trong âm nhạc Việt rất phong phú và có giá trị văn hóa cao. Để chỉ cho loại tình cảm trong bài nhạc ra sao người ta dùng các danh từ chuyên môn như: "hơi", "điệu" hay "điệu thức", "giọng", "thể", v.v. tùy theo địa phương, tùy theo truyền thống Bắc, Trung hay Nam. Ca trù dùng đến 36 giọng khác nhau. Trong đờn ca tài tử, cải lương và ca Huế có các hơi xuân, ai, đảo, oán, bắc, hạ, thiền, v.v. Những từ nầy rất khó dịch sang tiếng nước ngoài vì tính chuyên dùng, có liên hệ đến địa phương ngữ, cũng như môi trường sinh hoạt xã hội. Cần nói thêm, trong lúc trình diễn chúng ta còn thấy có sự chuyển thể giai điệu (hay chuyển điệu), từ nam sang bắc, từ ai sang xuân, v.v. hoặc chuyển hệ, đi từ thang âm nầy sang một thang âm khác trong các đoạn nhạc, các lớp của toàn bài.

Âm Điệu Dân Tộc: Bản Thể Văn Hóa Của Chúng Ta

Những yếu tố đa dạng, phong phú và tế nhị vừa nêu trên mang tính hết sức đặc trưng trong truyền thống âm nhạc dân tộc Việt. Đó là nền tảng âm thanh không phải chỉ vài ba năm, mà là sự kết tinh của nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Đó cũng không phải chỉ là một khía cạnh âm thanh của người Việt, mà là một thể hiện tập trung của ngôn ngữ, tập quán, đời sống sinh hoạt xã hội, và tư duy mỹ cảm. Âm điệu dân tộc là sự phản ánh những giá trị độc đáo của con người.

Chúng ta không thể tách rời âm nhạc khỏi bản thân của con người đã làm ra nó. Chúng ta phải hãnh diện về nó, vì nó là thành tựu của cả lao động trí óc (suy tư, sáng tác, v.v.) lẫn lao động chân tay (người thợ đóng đàn, di chuyển đàn, xếp đặt sân khấu trình diễn, v.v.). Những dàn đại nhạc, những loại nghệ thuật sân khấu dân gian và cung đình, những hình thức ca nhạc tri âm tri diệu (thính phòng), những nghi thức lễ nhạc Phật Giáo, những truyền thống ca múa dân gian (múa gậy, múa xuân phả, hát dân ca, v.v.) là cả một kho tàng vô cùng qúi báu và rộng lớn của dân tộc ta. Phải nói, đãy là bản sắc văn hóa của người Việt mà chúng ta có đầy đủ lý do để tự hào.

Một giọng hát, một câu hò "Chiều chiều trước bến Văn Lâu ..." một câu quan họ, hay một câu vọng cổ cất lên làm ta thấy cả "hồn dân tộc trong ấy" (xin mượn câu nói chan chứa ý nghĩa nầy của nghệ sĩ Việt Hùng) 2 . Tại sao? Vì âm điệu ấy thoát ra từ tiếng nói, từ ngón tay đầy mỹ cảm của dân tộc Việt.

Trong nhiều năm qua, tôi làm một thử thách nho nhỏ cho chính mình là đi nhiều miền của đất nước Việt Nam, lắng nghe từng diệu hát dân ca quan họ ở Bắc Ninh, bài chòi ở Bình Định, hò lý ở Mõ Cày (Bến Tre), quan sát từ những điệu múa xuân phả (điệu múa mang mặt nạ, rất hiếm có trên thế giới), múa đội đèn ở Thanh Hoá, múa hoa đăng cung đình Huế, múa dâng bông ở Khánh Hòa, những đêm ngồi lê trên chiếu chèo Hà Nội hay tuồng (hát bội), cải lương, ở các thành phố và tỉnh lẻ. Rồi đến những đêm nằm trên nhà sàn cao nguyên mà nghe tiếng tiếng đàn goong, nghe tiếng cồng chiêng lễ hội Giarai, Banar mà tôi thấy yêu qúi quê hương Việt Nam làm sao. Những kỷ niệm không thể kể hết qua hằng ngàn trang giấy. Nó vẫn còn hạn hẹp. Duy chỉ có một điều làm lòng tôi thấy an tâm nhất: dân tộc Việt có âm điệu sâu hằng nghìn năm, rộng như biển cả, rừng nghìn trùng. Âm điệu dân tộc tiềm tàng trong những sử ca, trong Bình Ngô Đại Cáo, trong Kiều, trên sông Hồng, sông Hương, trên dòng Hậu Giang miên man, trên đồng lúa xanh như ngọc, và trong tiềm thức trong mỗi con người Việt Nam. Ước mong âm điệu dân tộc vẫn còn mãi trong chúng ta.

Sách đọc thêm:

Nguyễn, T. Phong, Vietnam, The Garland Encyclopedia of World Music, Volume 7: Southeast Asia. New York/London, 1998: 444-536.
Nguyễn T. Phong và Patricia Shehan Campbell. From Rice Paddies and Temple Yards: Traditional Music of Vietnam. Danbury (CT): World Music Press, 1991)
Nghe nhạc (CDs):

Song of the Banyan: Phong Nguyen Ensemble. Music of the World. CD.
Eternal Voices: Traditional Vietnamese Music in the United States. Alliance Records. Double CD set.
Music of the Lost Kingdom: Hue, Vietnam. Lyrichord. CD.
Music of the Truong Son Mountains. White Cliffs Media. CD.
Ghi chú:
1. Tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Lê Yên. Hà Nội, 12/6/1994.
2. Tác giả phỏng vấn nghệ sĩ Việt Hùng. Mission Viejo, CA, 28/4/2000.


***

Nguyễn Thuyết Phong. Tiến sĩ Âm nhạc học (Sorbonne, Paris) và được phong National Heritage Fellow (Nhạc sĩ Di Sản Quốc Gia) tại White House (1997), Hoa Kỳ. Hiện là nhà nghiên cứu và giáo sư thỉnh giảng tại Trung Tâm Giáo Dục Âm Nhạc Thế Giới thuộc Viện Đại Học Kent, tiểu bang Ohio, và các trường đại học trên thế giới.

Sưu tầm

Tình khúc Vũ Thành An






















Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Giới thiệu tên các loại nhạc cụ dân tộc

Âm nhạc Việt Nam có một truyền thống khá lâu đời. Ngay từ thời cổ cư dân ở Việt Nam đã rất say mê âm nhạc. Đối với họ âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Bởi vậy trong quá trình phát triển lịch sử cư dân ở đây đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, để có thêm sự phấn chấn và sức mạnh trong lao động, trong chiến đấu, để giáo dục cho con cháu truyền thống của ông cha, đạo lý làm người, để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng và để bay lên với những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai... Trải qua bao biến thiên, ngày nay tại Việt Nam còn lưu giữ một kho nhạc khí đủ loại từ những dạng đơn sơ nhất cho tới những dạng có sự phát triển khá cao với những kỹ thuật diễn tấu tinh tế. Tại đây ta có thể nghe những điệu hát ru, những bài đồng dao của trẻ nhỏ, những thể loại ca nhạc trong các nghi thức cúng lễ hoặc dùng trong việc giao tiếp giữa các thành viên cộng đồng, trong lao động, trong vui chơi giải trí với những thể hát đố, hát đối đáp thi tài của trai gái, những điệu hát khi chơi bài hoặc khi kể những áng trường ca, những câu ca tiếng đàn của những người hát rong, của các ban "tài tử" cùng những thể loại ca kịch truyền thống... Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Điệu hát ru Việt khác ru Mường, ru Thái, ru Tây Nguyên... Có tộc dùng lời ca tiếng hát để đưa trẻ vào giấc ngủ. Có tộc lại ru con bằng tiếng đàn, tiếng sáo êm ái. Xưa kia âm nhạc cổ truyền đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Ngày nay nó vẫn giữ một vị trí đáng kể trong xã hội. Một số thể loại ca nhạc vẫn tồn tại trong cuộc sống dân dã. Một số khác đã bước lên sân khấu, tiếp tục làm đẹp cho đời và phát huy tác dụng trong cuộc sống mới Họ tự thân vang
Bẳng Tăng

Ưng Quái
T'rưng - Bahnar
Thanh la
Trống Đồng
Tiu Cảnh
Rôneathung
Mõ trâu
Mõ làng
Chũm choẹ
Chuông chùa
Ching Kramam
Chiêng Honh
Chùm Ma Hính
Ân Toong
Luống
Đao - Đao
Song loan
Sênh tiền
T'rưng Họ màng rung
Trống mảnh
Trống Chiến
Trống Bồng
Trống Xẩm
Acưr
Ghì nằng
Trống Tang Sành
Trống cái
Trống cơm
Trống Hagừnsít
Blơng Bơng
Hơ gơr
Trống Paranưng
Trống đế Họ hơi
Bẳng bu
Ky Pah
Tâng coi
Areng
Đing Buốt
Đing Năm
Đing Tác Ta
Kupuốt
M'buốt
Pí Láo Nọi
Pí Đôi
Pí Me
Pí Lao Luông
Púa
Sáo diều
Sáo trúc
Tiêu
Bỉ đôi
Kềnh
Đing jơng (đing téc)
Ưng Quái
Đing Tút
Pí thiu
Pí Tót
Pí Tam Lay
Kèn Xaranai
Xi - u
Pí Sên
Ala
Kèn Bầu
Khèn Bè
Klon-Pút
Pí Lè
Pí Pặp Họ dây
Goong Kram
Kok-ta-lư
Zèn xìn
Tam Thập Lục
Tàn Máng
Đàn Tam
Đàn Sến
Đàn Hồ
Cò Ke
Broh
Brố
Poòng Păng
Đing Goong
Tâm Plưng
Tính Then
Abel
Đàn Bầu
Đàn Đáy
Đàn Nhị
Kanhi
K'ný
Đàn Nguyệt
Đàn Tranh
Đàn Tính
Tỳ Bà Sưu tầm và Bổ sung

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Clip là hòa âm

Clip