Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Phương pháp thực hành hát(tt)



phần 7: MỘT SỐ KĨ THUẬT HÁT


a)Hát liền tiếng (legato, cantilena):

Hát liền tiếng là kiểu hát cơ bản nhất của kĩ thuật thanh nhạc trên thế giới. Có người đã nói rằng ai không hát liền tiếng thì coi như không biết hát. Trong các tác phẩm ca hát ở nước ta, từ những bài dân ca đến những bài hát trong sinh hoạt, trên sân khấu ca nhạc, những ca khúc nghệ thuật thường có giai điệu phong phú, êm ái, uyển chuyển. Cho nên để thể hiện đặc tính nghệ thuật đó thì cách hát liền tiếng phải được đặc biệt quan tâm trong kĩ thuật thanh nhạc.

Hát liền tiếng là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn, tự nhiên, thoải mái từ âm nọ sang âm kia. Giọng hát không ngừng ngắt và cũng không vuốt qua một âm trung gian nào. Hát liền tiếng là cách hát để đáp ứng tính chất mềm mại của giai điệu, với âm thanh có chất lượng tốt.
Hát liền tiếng là kết quả của một hoạt động phức hợp của toàn bộ bộ máy phát thanh, hội tụ được những điều kiện như:
-Luyện tập cho cơ quan phát thanh hoạt động đúng và phù hợp, nghĩa là hơi thở phải có điểm tựa kéo dài; hơi thở sâu và sử dụng tiết kiệm, gắn bó chặt chẽ tất cả các nốt nhạc (âm thanh) lại với nhau, từng âm thanh phải vang khoẻ, tròn trặn, thống nhất về cường độ và âm sắc.
-Hát liền tiếng trong luyện thanh dễ hơn trong những bài hát,vì giai điệu còn ghép với lời, gồm những nguyên âm và phụ âm. Muốn hát liền giọng trong các bài hát, ngoài việc hát liền các nguyên âm, còn phải phát âm những phụ âm nhanh, gọn, làm cho bộ phận truyền âm thay đổi những tư thế khác nhau khi phát âm những phụ âm.
Nói trong sinh hoạt và việc phát âm những vần, tiếng trong ca hát rất khác nhau. Khi nói, mọi người không dừng lại ở những nguyên âm, mà phát âm những nguyên âm nhanh và ngắn, còn trong ca hát thì nguyên âm được kéo dài ra. Phụ âm trong lời nói và trong ca hát thì giống nhau và bao giờ cũng phát âm nhanh.
Biết xử lí sao cho các nguyên âm được hát lên và tước bỏ những trở ngại do phát âm những phụ âm gây ra là điều rất quan trọng để tạo ra tiếng hát đẹp, mượt mà, nghĩa là thật legato, cantilena.
Người hát phải cố sao trong lúc hát các nguyên âm được kéo dài và nối liền nguyên âm nọ với nguyên âm kia, càng liền càng tốt, mặc dù giữa các nguyên âm còn có những phụ âm. CCần đặc biệt chú ý những phụ âm khép tiếng ở cuối chữ, ví dụ: C, CH, NH, NG, P, T – không nên khép lại quá sớm mà cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi. Như vậy âm thanh cũng như lời hát sẽ gắn bó được với nhau.
Chú ý khi giải quyết yêu cầu hát liền tiếng vẫn phải chú ý hát rõ lời. Trong các bài dân ca hoặc các bài hát mà tác giả của nó chú ý trau chuốt lời ca, thì tính giai điệu còn hàm chứa ngay cả trong lời hát với những ca từ đẹp, giàu hình tượng, giàu chất thơ.

*Bài tập:

a) Gồm toàn một nốt nhưng lại nối với nhau bằng những dấu nối, tức là những nguyên âm a, ê, i , ô, u hát liền một hơi thở, khi thay nguyên âm chỉ có khẩu hình (hình mồm) thay đổi, âm thanh không đứt đoạn, tạo ra một lối hát liền tiếng, móc nói các nguyên âm với nhau.
b)Được bổ sung thêm phụ âm m để tập bật âm thanh (attacca) bật môi nhưng không làm ngắt tiếng. Âm thanh liền một hơi, giữ tiết tấu, tốc độ của các nốt nhạc hoàn toàn giống nhau.

b)Hát nhanh:


Hát nhanh là cách hát những giai điệu một cách linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng. Đó cũng là một yêu cầu quan trọng của nghệ thuật ca hát.
Giọng hát nào cũng có thể hát nhanh nếu chú trọng luyện tập phát triển kĩ thuật hát nhanh. Tất nhiên loại giọng cao, nhẹ nhàng thuận lợi cho việc luyện tập hát nhanh hơn là giọng trầm. Kĩ thuật hát nhanh đặc biệt cần thiết cho giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) để thực hiện những yêu cầu kĩ thuật kĩ xảo, linh hoạt, thể hiện sự vui tươi, trong sáng, ríu rít như tiếng chim hót.
Nói chung phong cách thanh nhạc thời nay ít đòi hỏi sử dụng kĩ thuật hát nhanh như phong cách thanh nhạc thời xưa, nhất là trong các vở ca kịch…Tuy nhiên dù sao thì kĩ thuật hát nhanh ngày nay vẫn cần cho cho một ca sĩ. Tập hát nhanh cũng như tập thể dục cho giọng hát vậy, giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng, linh hoạt, hơi thở cũng dần tiết kiệm, hát được câu nhạc dài hơn. Hát nhanh giúp cho ca sĩ biết điều chỉnh giọng hát của mình tốt hơn, luyện những nốt cao thuận lợi hơn, vì khi hát nhanh, âm thanh sẽ lướt nhanh cùng hơi thở và có điều kiện lên cao dễ hơn, có đà hơn.
Khi tập hát nhanh, phải chú ý lấy hơi sâu và nhanh, vì lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và làm cho âm thanh bị nặng nề. Phải đẩy hơi nhẹ nhàng, liên tục. Luôn chú ý đến sự chuẩn xác về cao độ, không bỏ nốt, âm thanh phải rõ ràng, hàm dưới phải buông lỏng, vị trí của âm thanh phải cao và không hút vào sâu.


Ở 2 bài tập này đều có dấu legato từ đầu đến cuối câu nhạc, cho nên tuy nhanh và nhiều âm khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo hát liền tiếng, không bỏ nốt nào. Muốn hát được liền một hơi câu nhạc, cần lấy hơi vào sâu, nén hơi thở và phát ra âm thanh, sử dụng linh hoạt khẩu hình bám sát những nguyên âm. Có thể tập bằng tốc độ chậm trong phạm vi hơi thở cho phép, sau đó nhanh dần.

c)Hát âm nảy (staccato):


Hát âm nảy là một yêu cầu kĩ thuật của giọng hát, vì lối hát này có nhiều tác dụng tốt cho việc phát triển giọng hát. Trước hết, âm nảy là phương thức tốt nhất để nắm được cách bật âm thanh (attacca) nhẹ nhàng, gọn tiếng, tạo ra cơ sở để phát triển âm khu cao của giọng hát, vì để lên cao, dùng âm nảy, gọn,, nhanh, như lướt qua các âm cao, rất thuận lợi để sau nhiều lần, sẽ củng cố được âm cao ấy. Âm nảy sẽ tạo ra thói quen bật âm thanh đúng, điều cần thiết phải có khi hát liền tiếng (legato)
Khi hát âm nảy phải buông lỏng hàm dưới, môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng như khi cười, càng lên cao mồm càng mở rộng hơn. Vị trí âm thanh phải nông (cạn) như phát ra từ chân răng hàm trên. Hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng, không đẩy hơi theo kiểu tống hơi từng đợt vào thanh đới theo từng nốt nhạc, phải giữ cho bụng tương đối ổn định, mềm mại , mà vẫn phải nén hơi.
Âm nảy còn là biện pháp sửa những sai lệch về âm sắc như hát sâu, tối, gằn cổ. Với yêu cầu phải linh hoạt, trong sáng của âm nảy, âm thanh bắt buộc phải có vị trí nông và cao, giúp khắc phục dần những sai lệch nói trên của giọng hát.

*Bài tập:

-Bài tập a: hoàn toàn âm nảy
-Bài tập b: kết hợp hát liền tiếng (legato) với hát âm nảy (staccato)
------------------------------

d)Hát sắc thái to, nhỏ:


Nắm được kĩ thuật hát những sắc thái to, mạnh (forte), hoặc nhỏ (piano) hoặc từ nhỏ đến to, to dần (cresendo), từ to đến nhỏ, nhỏ dần (diminuendo) là yêu cầu không thể thiếu được đối với một người hát.
Ta thử hình dung ca sĩ hát một bài hát (cho dù là một hành khúc, chứ chưa nói đến một bài hát trữ tình), mà từ đầu đến cuối toàn hát to – chỉ một sắc thái ấy – thì sẽ kém hấp dẫn biết bao.
Trong một bài hát, tình cảm được thể hiện một phần bằng những sắc thái thay đổi to, nhỏ của một nốt nhạc hoặc cả câu nhạc, bằng cả sự tương phản giữa to và nhỏ…
Luyện tập hát to, nhỏ, to dần, nhỏ dần là một vấn đề khó, vì điều quan trọng là khi thay đổi âm lượng nhưng vẫn giữ được chất lượng âm thanh. Muốn đạt được yêu cầu đó phải thực hiện mấy điểm sau đây:
-Lấy hơi sâu, đẩy hơi đều đặn, liên tục (không đẩy hơi ồ ạt, đột ngột). Kết hợp với hơi thở đó, phải mở rộng mồm phía trong bằng cách nhấc hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới.
-Âm thanh phát triển to dần, nhỏ đi dần, không đột ngột. Hát vuốt nhỏ dần tương đối khó hơn so với hát to dần, nhất là ở nốt cao. Âm thanh phải di chuyển đều đặn, đừng nhỏ đột ngột, nén hơi thở cho tốt, vì nếu buông lỏng hơi thở, âm thanh sẽ bị gãy khúc.
Khi hát nhỏ dần, mồm không nên khép lại, vẫn phải giữ độ mở cần thiết ở bên trong mồm để khi âm thanh vuốt nhỏ đi sẽ không bị nghẹt, gãy mà kéo dài được liên tục, nhỏ dần dần và âm thanh chuyển dần vào hốc mũi.

*Bài tập:

Bài tập này mục đích để tập xử lí sắc thái to dần, nhỏ dần. Cho nên ở đây dùng các kí hiệu âm nhạc để chỉ sự to dần, nhỏ dần
ppp: cực nhỏ
pp: nhỏ vừa
p: nhỏ
mf: hơi to
f: to

Cũng có thể dùng các kí hiệu khác trực quan hơn để chỉ sự to dần ( < ) và nhỏ dần ( > )
To dần: < cresc
Nhỏ dần: > dim


Phần 8:

XỬ LÍ NGÔN NGỮ TRONG CA HÁT


Xử lí ngôn ngữ trong ca hát có nghĩa là cách xử lí lời ca của bài hát. Đây là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản, vì người Việt Nam hát lời ca bằng tiếng Việt (trừ những bài hát nước ngoài không dịch ra lời Việt). Nhưng hoàn toàn trái ngược lại, đây là một công việc phải đặc biệt quan tâm khi tập và biểu diễn một bài hát.
Một ca khúc bao giờ cũng phải gồm hai phần liên quan mật thiết với nhau, đó là giai điệu và lời ca. Giai điệu đẹp tôn lời ca lên, và lời ca đẹp, giàu hình ảnh, giàu chất thơ làm cho giai điệu dễ thấm vào lòng người hơn.
Một ca khúc hay, được nhiều người yêu thích, thường phải đẹp cả giai điệu lẫn lời ca, cho nên nhiều tác giả đã chọn những bài thơ hay để phổ nhạc, cho dù việc phổ nhạc cho một bài thơ có sẵn là một việc không dễ làm, làm sao cho nhạc làm nổi ý thơ lên nhưng lại không quá lệ thuộc vào lời thơ.
Thế nhưng lời ca đẹp, song người hát do không quan tâm nghiên cứu nội dung lời ca một cách thấu đáo, vội vàng, hiểu qua loa, khi thể hiện lại không chuyển tải được sâu sắc những tình cảm hàm chứa trong lời ca, khiến lời ca đẹp ấy mất đi bao nhiêu giá trị thực có của nó.
Lại cũng có khi, điều này hay xảy ra, nhất là trong lĩnh vực thanh nhạc bác học, nhạc thính phòng, người hát hát bằng tiếng Việt nhưng người Việt Nam nghe cứ tưởng ca sĩ ấy hát bằng tiếng nước ngoài. Nghe âm thanh thấy đẹp, giai điệu thật hay nhưng chẳng hiểu gì cả.
Hát phải rõ lời, đó là vấn đề trước hết phải quan tâm trong việc xử lí ngôn ngữ ca hát. Ở những bài trước đã có đôi lúc đề cập đến vấn đề này: Luyện giọng bằng những nguyên âm có thể dễ hơn nhiều với hát một bài hát. Vì lời ca đâu chỉ có những nguyên âm a, i, e, ê, o, ô, u! Lời ca phần lớn gồm những nguyên âm và phụ âm, trừ một số cảm thán từ, như: “ôi!”, “a!” hay những hư từ ta gặp trong dân ca Quan họ, trong chèo…
Phát âm và nhả chữ là hai yêu cầu thống nhất của nghệ thuật ca hát. Hai yêu cầu này gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên một tiếng hát hoàn chỉnh. Âm thanh đúng tạo điều kiên cho việc nhả chữ rõ ràng. Nhả chữ rõ ràng, đẹp làm cho âm thanh thêm phong phú về màu sắc và tình cảm.Nhả chữ rõ ràng hay không tuỳ thuộc vào cách xử lí nguyên âm và phụ âm của các từ trong lời ca. Khi hát cần phải đảm bảo sự âm vang cần thiết của âm thanh, mà muốn có âm vang tốt, cần phải dựa vào các nguyên âm chứ không thể dựa vào các phụ âm, người ta cũng có lí khi cho rằng ca sĩ chỉ hát trên những nguyên âm. Vậy muốn rõ lời thì không thể hát hoàn toàn những nguyên âm, mà phải phát âm những phụ âm nhanh gọn, làm cho bộ phận truyền âm thay đổi rất nhanh những tư thế khác nhau (mồm, môi, lưỡi).
Trong phong trào ca hát không chuyên, một số anh chị em ca sĩ nghiệp dư thường mắc phải nhược điểm là không phát âm được rõ ràng những chữ có phụ âm khép ở cuối, (có thể do muốn âm thanh được tròn, vang, không bị đưa lên mũi). Nhưng đối với những người có kĩ thuật phát âm tốt thì hai yêu cầu phát âm và nhả chữ thường được giải quyết thoả đáng. Chẳng hạn như gặp những phụ âm khép tiếng ở cuối chữ: C, CH, NH, NG, T, P, N… thì họ xử lí bằng cách không khép lại quá sớm, mà cố kéo dài đủ trường độ nốt nhạc trên những nguyên âm, rồi khép phụ âm và chuyển nó thành một nguyên âm vang ở mũi, khiến cho âm thanh không bị ảnh hưởng mà vẫn rõ lời.
Một vấn đề nữa liên quan đến xử lí ngôn ngữ trong ca hát là vấn đề bố trí chỗ lấy hơi cho phù hợp, đúng chỗ, vì lấy hơi ngắn hay dài, sâu hay nông đều làm cho âm thanh và lời hát ngắt lại, gần như một dấu phảy hay một dấu chấm phảy trong câu văn vậy. Thí dụ trong câu hát Người Việt Nam có nghe tên Dôia…aaa, du kích quân của Liên Xô không may sa vào tay thùthì không thể lấy hơi sau chữ “của” hoặc chữ “sa” vì thiếu hơi được, mà phải bố trí lại chỗ lấy hơi để làm cho câu hát không bị ngắt ngược với ngữ nghĩa, khiến người nghe khó hiểu.

Phần 9:

LỰA CHỌN BÀI HÁT

Lựa chọn được bài hát phù hợp với giọng hát, khả năng biểu hiện của từng người, với chủ đề của buổi biểu diễn, đối tượng của người nghe là đã đảm bảo được một nửa. (nếu không muốn nói là hơn) cho kết quả biểu diễn. Đó là những điều kiện khách quan, không phụ thuộc vào ý thích riêng của người hát. Tất nhiên nếu phù hợp với mong muốn chủ quan cũng tạo ra sự hưng phấn trong biểu diễn, góp phần cho thành công, nhưng dẫu sao cũng không thể coi nhẹ những điều kiện khách quan đó được.
Có hai vấn đề cần chú ý khi chọn lựa bài hát, đó là nội dung lời ca và nội dung âm nhạc của bài hát. Tách bạch ra như vậy, nhưng trên thực tế hai yêu tố âm nhạc và lời ca luôn gắn bó với nhau, bài hát tốt, hay thì không thể có sự tương phản giữa lời ca và âm nhạc, mà nhạc hay sẽ tôn ý của lời ca, giúp khắc hoạ sâu ý lời vào tâm hồn người nghe, và lời ca đẹp, trau chuốt, giàu chất thơ trong hình tượng và vần điệu, cũng góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp của âm nhạc.
1) Chọn bài hát căn cứ vào nội dung lời ca:
Những bài hát lưu hành phổ biến trong nước ta có nội dung rất phong phú, đa dạng: Ca ngợi Tổ quốc, ca ngượi thiên nhiên đất nước, những chiến công vang dội qua những thời kì dựng nước và giữ nước, những anh hùng của các thời đại. Cũng có những bài hát nói về một quê hương, một địa danh, địa phương cụ thể nào đó, nhưng lại được người trong cả nước yêu thích vì nói lên được ước vọng, tâm trạng chung của mọi người trong một thời điểm nhất định nào đó (Quảng Bình quê ta ơi, Hà Tây quê lụa, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Nhớ về Hà Nội,….)
Có những bài hát nói về một ngành nghề cụ thể, nhưng người ngành nghề khác vẫn yêu thích, chẳng hạn: Tôi, người thợ lò, Mùa xuân trên những giếng dầu, Em đứng giữa giảng đường hôm nay, Bài ca xây dựng, Những ánh sao đêm, …
Còn có những đề tài về tình yêu, kính thầy, yêu bạn, tình yêu nam nữ là những đề tài muôn thuở.
Cho nên, dù ở đề tài nào, cần chọn những nội dung trong sáng, lành mạnh, lạc quan, yêu đời, có tác dụng tốt về tư tưởng, thẩm mĩ, đạo đức.
Bài hát lựa chọn còn phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Đừng chọn những bài hát đề cập đến những nội dung vượt quá suy nghĩ, nhu cầu lứa tuổi của bản thân người hát và cả đối tượng nghe hát. Chẳng hạn ở lứa tuổi 15, 16 chưa nên chọn những bài hát như Thiên thai, Suối mơ, Cô láng giềng, Cô lái đò… sẽ tạo ra cảm giác già trước tuổi, mà nên chọn những bài hát như Em đi chùa Hương, Bản tăng gô thời cắp sách…. những bài về yêu Tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình bạn, tình yêu, kính thầy cô, yêu bố mẹ…
Cũng không nên chọn những bài có lời ca thể hiện quá rõ giới tính nam hoặc nữ (tuy thông thường cũng có thể sửa lời đôi chút)
2) Chọn bài hát căn cứ vào âm nhạc:
-Tầm cữ giọng phù hợp, không lên quá cao, không xuống quá thấp, hoặc không kéo quá dài, “treo” ở một âm khu cao quá hoặc thấp quá so với giọng của mình. Tất nhiên có thể xử lí bằng cách dịch giọng lên cao hoặc xuống thấp, nhưng không phải bài hát nào cũng xử lí theo cách đó được, có khi bớt âm cao lại thêm những âm trầm không hợp giọn hoặc ngược lại.
-Tính chất âm nhạc phù hợp với sở trường biểu hiện của mình: vui tươi, dí dỏm, nghịch ngợm, hoặc trữ tình, êm dịu, thiết tha, sâu lắng… Tất nhiên trong khi luyện tập cũng không nên quá phụ thuộc vào khả năng tự nhiên của giọng hát, tự hạn chế, tự bó hẹp mình trong khuôn khổ biểu hiện chỉ một loại bài hát có hình thức, có nội dung cảm xúc phù hợp mà phải cố gắng luyện tập cho khả năng biểu hiện của mình phong phú hơn, đa dạng hơn. Biết hát tốt những bài hát vui, khoẻ mạnh, nhưng cũng phải rèn luyện để hát hay những bài hát trữ tình.
-------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét